Chủ trọ giảm giá thuê phòng: Lan tỏa thông điệp “ở nhà là yêu nước”

Những ngày qua, dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh tới việc làm và thu nhập của nhiều người. Để san sẻ khó khăn và góp phần lan tỏa thông điệp “ở nhà là yêu nước”, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội đã quyết định miễn, giảm tiền phòng trọ cho sinh viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khoảng 2 tháng nay, chị Bùi Thị Hồng Xuân (quận Bắc Từ Liêm) đã phải nghỉ việc. Thực hiện khuyến cáo không đi lại nhiều nơi, đồng thời bảo vệ sức khỏe của gia đình, chị Xuân quyết định không về quê mà ở lại Hà Nội làm việc online trong căn phòng thuê trọ. 

Từng là giáo viên dạy tiếng Nhật, nay không được đứng lớp đồng nghĩa với việc thu nhập giảm nghiêm trọng, chị Xuân gặp không ít khó khăn về mặt kinh tế. Mọi chi tiêu đều có thể “thắt lưng buộc bụng”, thế nhưng chỉ có tiền thuê phòng là không thể “co kéo” được.

NativeAd from Google

“Tôi thuê một căn nhà trên đường Hồ Tùng Mậu dành cho 6, 7 người chủ yếu là sinh viên ở, thế nhưng các em đã về quê khoảng 2 tháng nay rồi. Tôi đã ở đây được 1 năm với mức thuê là 9 triệu 500 ngàn đồng/1 tháng và đóng 3 tháng 1 lần. Như vậy mỗi đợt đóng tiền nhà sẽ rơi vào khoảng gần 30 triệu. Tháng 4 tới là đến quý đóng tiếp theo, trong tình hình này chúng tôi thật sự khó khăn”, chị Xuân cho biết.

Tin nhắn giảm giá tiền nhà của chủ trọ khiến chị Bùi Thị Hồng Xuân cảm thấy ấm lòng.

Với mong muốn được san sẻ, chị Xuân đã liên hệ với chủ nhà xin được hỗ trợ. Sau khi chia sẻ sự khó khăn trong đợt dịch cao điểm, chủ nhà của chị Xuân đã đồng ý giảm giá tiền phòng trong tháng 4 và tháng 5.

“Cô chủ nhà giảm cho chúng tôi khoảng 4-5 triệu. Nhìn tổng thể không được nhiều nhưng như thế chúng tôi đã cảm thấy biết ơn lắm rồi. Mọi người cũng yên tâm ở nhà làm việc hơn”, chị Xuân tâm sự.

Cũng như chị Xuân phải cầm cự ở nhà làm việc trong mấy tháng qua, anh Nguyễn Thanh Quý (Cầu Giấy) đã từng nghĩ đến phương án chuyển chỗ trọ ở chung với nhiều người để giảm bớt gánh nặng kinh phí. Trong lúc loay hoay tính toán, anh Quý cùng hơn 20 người trong dãy nhà trọ bỗng được chủ nhà thông báo giảm 50% tiền phòng.

Đặc biệt sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, yêu cầu cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên toàn quốc, anh Quý càng bất ngờ hơn nữa khi chủ nhà thông báo sẽ giảm toàn bộ tiền phòng trong tháng 4 tới đây. Mọi người sẽ chỉ phải trả tiền điện, tiền nước và tiền mạng Internet, hết bao nhiêu thanh toán bấy nhiêu.

Cô Nguyễn Thị Thanh (chủ dãy trọ) cho biết, mới đây cô đã tự động miễn phí tiền phòng cho các phòng sau khi giảm giá trong 2 tháng. Trung bình mỗi phòng ở mức 2 triệu/tháng, từ khi có dịch cô Thanh đã “thất thu” hàng chục triệu đồng.

Nhiều phòng được chủ nhà hỗ trợ khó khăn trong mùa dịch.

Theo người chủ dãy trọ này, việc làm của cô chỉ xuất phát từ suy nghĩ đơn giản, trong thời gian dịch Covid-19, nhiều người không có việc làm, thu nhập giảm sút nên nếu được giảm tiền trọ hay miễn tiền trọ, cuộc sống của họ sẽ đỡ chật vật hơn rất nhiều. 

“Ngoài ra khi có những khuyến cáo mọi người hạn chế đi lại, ở trong nhà cũng là để chung tay giúp sức Chính phủ dập dịch Covid-19 thì tôi nghĩ miễn tiền thuê trọ các cháu sẽ yên tâm hơn. Các cháu còn rất trẻ cũng như con cháu trong nhà, mình giúp được gì thì giúp. Khi nào hết dịch, mọi thứ trở về như cũ thì chúng ta lại tính tiếp”, cô Thanh chia sẻ.

Có thể thấy trước những khó khăn của sinh viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covi-19, việc miễn hay giảm tiền phòng cho thuê của các chủ nhà trọ khiến người đi thuê cảm thấy vô cùng ấm lòng và trân trọng. 

Đây không không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn cả tinh thần. Cổ vũ tất cả mọi người thực hiện nghiệm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp “ở nhà là yêu nước”.

Hi vọng rằng, những hành động nhân văn, ý nghĩa này của một số chủ nhà trọ tốt bụng trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng để người thuê nhà giảm bớt một phần áp lực về kinh tế trong giai đoạn khó khăn này, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nguồn: Lao động Thủ đô